Giữa kỷ nguyên công nghệ thông tin hiện tại, internet ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống con người, thay đổi gần như toàn diện cách thức chia sẻ và trao đổi thông tin. Chính vì thế, online marketing dần trở thành kênh tiếp thị quan trọng của mọi doanh nghiệp dù là tiếp thị B2B (Doanh nghiệp đối với doanh nghiệp) hay B2C (Doanh nghiệp đối với khách hàng). Theo Forbes, để đáp ứng nhu cầu phát triển, doanh nghiệp cần nắm bắt rõ 7 xu hướng online marketing sau: 1. Nội dung lớn hơn bao giờ hết Bằng cách sử dụng nhiều kênh truyền tải nội dung: mạng xã hội, bài viết trên website doanh nghiệp, thư điện tử thông tin (eNewsletter), video…, doanh nghiệp có thể phối hợp để xây dựng hình ảnh thương hiệu. Các nội dung này gần như không còn bị giới hạn về thời gian, cách thức truyền tải. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể truyền đi một lượng thông tin khổng lồ mà hiệu quả sẽ lấn át các cách thức tiếp thị truyền thống như truyền hình và phát thanh. 2. Truyền thông xã hội cần đa dạng hơn Cách đây vài năm, các doanh nghiệp không có nhiều kênh mạng xã hội để sử dụng làm công cụ truyền thông. Chúng chỉ giới hạn với Facebook, LinkedIn, Twitter. Tuy nhiên, giờ đây nhiều mạng xã hội dần trở nên phổ biến hơn và khẳng định vị thế, điển hình như: Pinterest, Google+, Tumblr và Instagram. Mỗi mạng xã hội có một thế mạnh về cách truyền tải thông tin. Vì thế, các chương trình tiếp thị trực tuyến của doanh nghiệp cần sử dụng nhiều mạng xã hội hơn, khai thác đúng thế mạnh của từng phương tiện. 3. Hình ảnh là trung tâm Để người dùng nhanh chóng “tiêu hóa” các nội dung tiếp thị, doanh nghiệp cần tập trung sử dụng hình ảnh chứ đừng chú trọng vào các bài viết dài. Hình ảnh cần trực quan, sinh động để dễ dàng gây chú ý. Đặc biệt là các hình ảnh đồ họa chứa thông tin có tính tương tác cao. Nếu làm tốt, chỉ cần một ảnh đồ họa thông tin cũng đủ thay thế nội dung cả bài viết lớn mà người đọc còn dễ nhớ, dễ chia sẻ. 4. Thông điệp đơn giản Một xu hướng đáng chú ý khác là đừng nên đưa các thông điệp tiếp thị phức tạp, sâu sắc mà hãy đơn giản hóa chúng. Theo Forbes, ngay cả các thương hiệu danh tiếng như Apple, Google cũng đưa ra thông điệp tiếp thị hết sức đơn giản. Vì thế, đừng khiến đối tượng mục tiêu phải “vò đầu bứt tai” suy nghĩ một thông điệp tiếp thị. 5. Nội dung thân thiện trên điện thoại di động Theo Forbes, vào năm 2017, 87% doanh số thiết bị kết nối sẽ là điện thoại di động và máy tính bảng”. Nói như thế để hiểu rằng điện thoại di động đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống mọi người. Vì thế, doanh nghiệp cần tạo điều kiện tối đa để khách hàng có thể tiếp cận trên thiết bị cá nhân này. Giải pháp là phải đưa ra các phiên bản website thích hợp với điện thoại di động, chứa các nội dung đơn giản, dễ nhận biết. 6. Quảng cáo theo dấu mục tiêu Đây là xu hướng đang nổi lên gần đây. Bằng cách dựa vào cookie của trình duyệt người dùng, cần đảm bảo rằng các khách hàng sẽ lại nhìn thấy quảng cáo về những sản phẩm mà họ đã xem, đã tìm hiểu. Điều này đảm bảo thương hiệu của doanh nghiệp sẽ luôn chiếm ưu thế trong tâm trí khách hàng khi nghĩ về một nhóm sản phẩm nào đó. Trước mắt, họ có thể chưa mua nhưng về lâu dài lại rất hữu ích. 7. SEO và mạng xã hội ngày càng gắn bó Đối với tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) trực tuyến, mạng xã hội ngày càng đóng vai trò cao hơn. Trước kia, kết quả tìm kiếm thường chỉ tập trung vào những website truyền thống thì nay đã có sự thay đổi đáng kể. Những kết quả tìm kiếm xuất phát từ mạng xã hội đang hiện diện ở khu vực “bề trên”. Thực tế này bắt nguồn từ việc ngày càng có nhiều người chia sẻ các nội dung gồm hình ảnh, video chất lượng cao nên dễ thu hút. Theo Hoàng Đình Nguồn: Tuổi trẻ